Đánh giá dòng laptop Dell Xps

Thứ Hai, 14/09/2015, 15:18 GMT+7

Xem thêm Đánh giá dòng laptop Dell Xps:

Đánh giá Ultrabook Dell XPS 13

Dell XPS 13 là phiên bản mới nhất trong dòng máy tính giải trí di động XPS được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm CES 2015 vừa qua. Sản phẩm thu hút sự quan tâm của giới công nghệ và truyền thông nhờ kiểu dáng hiện đại, cấu hình phần cứng nền tảng Broadwell hứa hẹn mở rộng thời gian dùng pin đến 15 giờ liên tục. Đặc biệt công nghệ tấm nền IGZO2 không chỉ giúp tăng mật độ điểm ảnh cao hơn, mà còn giúp thiết kế viền màn hình siêu mỏng chỉ 5,2mm.

  • Kiểu dáng, thiết kế

Thiết kế sản phẩm vẫn giữ được sự tinh tế, kiểu dáng mỏng nhẹ, chất liệu sợi carbon kết hợp cùng hợp kim nhôm tạo được sự chắc chắn, độ bền cao. XPS 13-9343 trang bị màn hình 13,3 inch nhưng có thiết kế nhỏ gọn chỉ tương đương với ultrabook màn hình 11,6 inch, nặng khoảng 1,26 kg (không kể phụ kiện đi kèm) và khá mỏng, chỗ mỏng nhất chỉ 0,9cm và dày nhất chỉ 1,5cm, phù hợp với người dùng thường xuyên di chuyển.

Điểm nổi bật thu hút sự chú ý của người dùng là viền màn hình chỉ mỏng 5,2mm và đây còn là mẫu laptop tiên phong theo phong cách thiết kế mới.

Bên cạnh đó, XPS 13-9343 (mã sản phẩm P54G001) còn trang bị màn hình độ phân giải chuẩn WQXGA+ (3.200x1.800 pixel), cao gấp đôi so với chuẩn Full HD (1.920x1.080 pixel). Công nghệ tầm nền IGZO2 không chỉ tăng mật độ điểm ảnh cao hơn, mang lại chất lượng hình ảnh mịn và sắc nét hơn mà còn giúp thu hẹp đường viền màn hình.

  • Cổng giao tiếp, khả năng nâng cấp phần cứng

Tương tự những ultrabook khác, để sản phẩm đạt được kích cỡ mỏng gọn và chỉ nặng 1,26 kg đòi hỏi nhà sản xuất phải lược bỏ một số thành phần kém quan trọng. Cụ thể XPS 13-9343 chỉ hỗ trợ xuất tín hiệu hình ảnh mở rộng qua cổng mini DisplayPort, bộ đọc thẻ “3 trong 1” và có 2 cổng USB 3.0 hỗ trợ tính năng Powershare cho phép sạc thiết bị di động khác cả khi tắt máy.

Về khả năng nâng cấp phần cứng cũng khá hạn chế, đòi hỏi phải tháo toàn bộ nắp bảo vệ mặt dưới. Tuy nhiên với cấu hình được xem là “max option” như mẫu sản phẩm Test Lab thử nghiệm thì hệ thống xem ra vẫn đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu người dùng nên việc nâng cấp là không cần thiết.

  • Màn hình

XPS 13 trang bị màn hình cảm ứng IPS 13,3 inch với độ phân giải chuẩn WQXGA+ 3.200x1.800 pixel, công nghệ tấm nền IGZO2 không chỉ tăng mật độ điểm ảnh cao hơn, mang lại chất lượng hình ảnh mịn và sắc nét hơn mà còn giúp thu hẹp viền màn hình. Ngoài ra, IGZO2 còn có mức tiêu thụ năng lượng chỉ bằng 1/3 so với LCD truyền thống và điều này giúp các nhà sản xuất có nhiều tùy chọn hơn trong thiết kế sản phẩm.

Về lý thuyết thì độ phân giải màn hình và mật độ điểm ảnh càng cao sẽ hiển thị hình ảnh chi tiết và sắc nét hơn. Tuy nhiên trên thực tế với giới hạn màn hình 13,3 inch nên các cửa sổ ứng dụng trong giao diện Desktop của hệ điều hành cũng thu nhỏ đáng kể so với màn hình độ phân giải Full HD cùng kích thước. Do đó, người dùng nên tăng cỡ chữ lên mức 200% (extra large) hoặc cao hơn để việc thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng dễ dàng hơn.

Thử nghiệm thực tế cho thấy chất lượng hình ảnh hiển thị tốt, màu sắc trung thực và góc nhìn có thể mở rộng đến 178 độ mà hình ảnh không bị biến đổi dù màu sắc tối hơn một chút. Các bước chuyển màu, mức độ sáng tối cũng như sắc xám và trắng hiển thị trên màn hình cũng dễ phân biệt rõ ràng. Bên cạnh đó, màn hình còn được phủ lớp chống chói (anti-glare) giúp góc nhìn linh hoạt hơn khi làm việc ngoài trời hoặc môi trường có nguồn ánh sáng từ nhiều hướng khác nhau.

Độ nhạy màn hình cảm ứng và tính tương tác với người dùng của Dell XPS 13 cũng để lại ấn tượng tốt. Với game que thuộc là Angry Birds và Ninja Fruit, cảm giác trơn mịn do độ ma sát thấp giúp thao tác trên màn hình nhẹ, thoải mái và chính xác, thao tác game linh hoạt hơn so với khi dùng touchpad hoặc chuột gắn ngoài.

  • Bàn phím và touchpad

XPS 13 trang bị bàn phím chicklet dạng full size và có thêm LED nền, tiện dụng hơn khi làm việc trong môi trường thiếu sáng. Trừ nhóm phím chức năng (Fn) khá nhỏ thì những phím nhấn còn lại kích lớn, nhấn êm, độ đàn hồi đủ tốt để lướt nhanh khi gõ văn bản. Khoảng cách giữa các phím rộng, hành trình phím vừa phải (1,3mm) giúp thao tác thoải mái mà không sợ nhấn nhầm. Dù vậy, điểm bất tiện của bàn phím trên XPS 13 là dễ bám dấu tay.

Touchpad nhạy, cảm giác trơn mịn do độ ma sát thấp giúp chuột di chuyển chính xác hơn, các chức năng cuộn, phóng to và xoay ảnh cũng dễ thực hiện hơn.

  • Đánh giá hiệu năng

Như đề cập trên, XPS 13-9343 (P54G001) không chỉ tạo dấu ấn thiết kế mà còn được trang bị “max” cấu hình với chip Core i7-5600U, đồ họa tích hợp HD Graphics 5500, 8GB bộ nhớ DDR3L và cùng SSD dung lượng 512GB, giao tiếp M.2. Đây cũng là mẫu ultrabook trang bị SSD có dung lượng không hề kém so với laptop tiêu chuẩn.

Với cấu hình trên, mẫu ultrabook mới của Dell đủ cho nhu cầu làm việc và giải trí di động nhẹ nhàng. Tuy không thể sánh cùng những laptop trang bị card đồ họa rời tầm trung nhưng một điểm “cộng” đáng giá của đồ họa tích hợp trong chip Intel là năng lực xử lý được cải thiện qua mỗi thế hệ. Việc bổ sung các đơn vị thực thi lệnh (execution unit - EU) giúp nâng cao khả năng xử lý hình ảnh 3D, hỗ trợ tốt video chuẩn HD, đáp ứng nhu cầu giải trí đa phương tiện hay chơi được nhiều tựa game hơn.

Chẳng hạn trong phép thử game cơ bản Street Fighter IV, tốc độ khung hình trung bình của XPS 13 đạt 47 fps và 30 fps đối với game tầm trung Alien vs Predator ở độ phân giải HD 720p, thiết lập chất lượng đồ họa cơ bản.

Với công cụ đánh giá tổng thể hiệu năng hệ thống PCMark 8, XPS 13 đạt 2.669 điểm trong phép thử Home và đạt đến 3.553 điểm trong phép thử Creative. Trong phép thử đồ họa 3DMark Cloud Gate, cấu hình thử nghiệm đạt 3.625 điểm Physics, 6.710 điểm Graphics và hiệu năng tổng thể đạt 5.642 điểm.

Với Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình 3D của bộ xử lý (CPU) và đồ họa tích hợp đạt 129cb trong phép thử CPU đơn nhân (single core) và 261cb trong CPU đa nhân (multi-core), tốc độ dựng hình đạt 26,54 khung hình/giây (fps) ở phép thử OpenGL.

Điểm thành phần ổ cứng (SSD) qua phép thử AS SSD Benchmark cho thấy tốc độ đọc dữ liệu tuần tự của ổ cứng vào khoảng 468,6 MB/giây và tác vụ ghi 243,9 MB/giây, tương ứng với thời gian truy xuất lần lượt là 0,125 và 0,091 ms (miligiây). Tương tự kết quả PCMark 05 đo tốc độ truy xuất của ổ cứng (môi trường giả lập) cho thấy tốc độ khởi chạy ứng dụng đạt 111,5 MB/giây, quét virus đạt 195,2 MB/giây, tốc độ ghi dữ liệu đạt 217,3 MB/giây trong khi quá trình khởi động Windows XP đạt 208,6 MB/giây.

  • Thời lượng pin

Thử nghiệm thực tế với phép thử PCMark 8 Home, cấu hình chế độ High Performance và độ sáng màn hình giảm còn 40% (tương đương chế độ dùng pin) cho thấy thời gian sử dụng liên tục của máy chỉ đạt 241 phút, thấp hơn đáng kể so với con số 330 phút của một phiên bản XPS 13-9343 khác trang bị chip Core i5-5200U, màn hình 13,3 inch độ phân giải Full HD.

Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì xét trong cùng kích cỡ, màn hình có độ phân giải càng cao thì mức tiêu thụ năng lượng càng lớn và ảnh hưởng đáng kể đến thời lượng dùng pin của thiết bị.

Dell XPS 15 Touch: màn hình QHD+ cảm ứng đẹp, hoàn thiện cao cấp, nhẹ,

Tuy vậy, với những phần cứng mới và công nghệ cao cấp, giá vẫn là rào cản lớn nhất để người dùng tiếp cận XPS 15 (9530) và qua bài đánh giá này, hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những điểm mới trên XPS 15 trước khi quyết định "rước nàng về dinh".

  • Thiết kế được nâng cấp, dùng sợi carbon, nhẹ hơn và mỏng hơn

XPS 15 Touch (9530) vừa thừa hưởng ngôn ngữ thiết kế của phiên bản tiền nhiệm XPS 15 (L521X), vừa được nâng cấp với nhiều điểm mới. Máy tiếp tục được chế tạo từ các vật liệu cao cấp và hoàn thiện tinh xảo. Nắp máy vẫn được làm từ một tấm nhôm nguyên khối màu bạc với logo Dell mạ chrome sáng nằm chính giữa. Chất liệu nhôm hơi sần giống MacBook mang lại cảm giác tiếp xúc rất thích tay và thể hiện sự cao cấp ở khâu hoàn thiện.

Bên trong là màn hình 15,6" với thiết kế viền màn hình khá mỏng: Phần viền đen dày khoảng 1 cm 2 bên, 2 cm trên dưới và viền nhôm dày khoảng 2,5 mm bao ngoài. Màn hình hơi lồi lên do lớp kính cường lực Gorilla Glass nhưng độ dày màn hình chỉ xấp xỉ 5 mm. Bản lề được thiết kế chìm trong thân máy khiến góc mở màn hình bị giới hạn ở 140 độ. Mặc dù vậy, nhờ điểm tựa giữa bản lề và thân máy cộng với thiết kế màn hình mỏng nên hạn chế hiện tượng rung lắc khi thao tác cảm ứng trên màn hình.

Bên trong, chất liệu nhôm tiếp tục được sử dụng trên phần viền bao bọc quanh thân máy. Tuy nhiên, viền nhôm giờ đây không còn liền khối với khung và đáy máy như phiên bản tiền nhiệm XPS 15 (L521X). Mình cũng khá ngạc nhiên khi Dell quyết định bỏ thiết kế nhôm này trên XPS 15 (9530) nhưng qua tìm hiểu thì việc thay đổi về chất liệu hoàn toàn có mục đích.

XPS 15 thế hệ trước trông rất bắt mắt nhờ chất liệu nhôm nhưng cũng khá nặng. Do đó, với XPS 15 mới, Dell chỉ giữ lại phần viền nhôm đóng vai trò là khung gia cường còn bên dưới là chất liệu sợi carbon khiến trọng lượng máy được giảm xuống còn 2,01 kg, nhẹ hơn 0,7 kg so với XPS 15 thế hệ trước.

Quanh khu vực bàn phím, Dell sử dụng chất liệu silicon soft-touch mang lại cảm giác dễ chịu khi đặt tay gõ phím. Tuy nhiên, chất liệu này rất dễ lưu mồ hôi tay và trở nên rít nếu sử dụng lâu.

Thiết kế bàn phím và bàn rê trên XPS 15 (9530) vẫn tương tự phiên bản trước. Mặc dù là máy 15" nhưng XPS 15 không có khu vực phím số numeric, do đó không gian bàn phím khá rộng rãi và dễ thao tác. Các phím được thiết kế dạng chiclet với đèn backlit 3 cấp độ sáng bên dưới làm nổi bật các ký tự được khắc to trên mỗi phím. Mặt phím đen nhám, hơi lõm xuống tạo cảm giác gõ rất tốt và layout phím cân đối dễ làm quen. Các phím điều hướng mặc dù được thiết kế khá nhỏ nhưng lại dễ tiếp cận nhờ nằm tách biệt với khu vực phím chính và thiết kế lồi của 2 phím lên xuống.

Bàn rê của máy có diện tích khoảng 8 x 10 cm, được bố trí cân đối tại khu vực để tay. Bề mặt bàn rê được phủ kiến mang lại cảm giác tiếp xúc tốt, độ nhạy cao và nhờ thiết kế bằng với mặt phẳng khu vực nghỉ tay nên bạn có thể dễ dàng thực hiện các cử chỉ vuốt từ 2 rìa bàn rê trên Windows 8 mà không cảm thấy khựng. Theo xu hướng thiết kế mới thì 2 phím chuột cũng được tích hợp bên dưới bàn rê để tiết kiệm diện tích và tạo sự liền mạch về thiết kế.

Mặc dù mang lại trải nghiệm gõ và thao tác tốt nhưng bàn phím và bàn rê của XPS 15 (9530) vẫn có một vài nhược điểm nhỏ. Cụ thể là khi gõ phím và nhấp vào các phím chuột thì bạn sẽ dễ dàng nghe thấy âm thanh cạch cạch phát ra khá to. Nếu bạn không khó tính thì yếu tố âm thanh này không phải là vấn đề quá lớn nhưng nếu thích sự yên tĩnh khi làm việc thì bạn nên xem xét yếu tố này trên XPS 15 (9530).

Bên cạnh việc giảm trọng lượng cho máy bằng chất liệu sợi carbon, XPS 15 (9530) cũng mỏng hơn phiên bản trước nhờ loại bỏ ổ đĩa quang. Độ dày của máy chỉ còn khoảng 18 mm nhưng vẫn chứa nhiều cổng kết nối bao gồm 4 cổng USB (3 x USB 3.0 và 1 x USB 2.0 tích hợp tính năng sạc PowerShare), 1 mini DisplayPort, 1 HDMI, khe thẻ nhớ 3-in-1 và jack tai nghe.

Việc loại bỏ ổ đĩa quang là một thay đổi cần thiết bởi nhu cầu giải trí bằng các loại đĩa DVD đã không còn cao như trước đây và ổ đĩa quang cũng không bền như các phần cứng khác qua thời gian sử dụng. Thêm vào đó, Dell đã bổ sung 1 cổng USB 2.0 PowerShare - một sự bổ sung hợp lý bởi với cổng giao tiếp này thì bạn có thể sử dụng XPS 15 để sạc pin cho các thiết bị di động ngay cả khi đã tắt máy.

Tuy nhiên, chính vì tối ưu cho độ mỏng nên XPS 15 (9530) cũng bị lược bỏ cổng LAN - một cổng kết nối vẫn còn phổ biến và được nhiều người tin dùng vì sự ổn định. Bù lại, về kết nối không giây thì XPS 15 (9530) được tích hợp nhiều chuẩn mới như Wi-Fi 802.11ac, NFC và WiDi.

  • Màn hình rất đẹp, loa hay

Phiên bản XPS 15 Touch (9530) mình dùng để đánh giá được trang bị màn hình cảm ứng 10 điểm chạm 15,6" công nghệ màn hình IGZO với độ phân giải QHD+ (3200 x 1800 px). Đây là một tùy chọn được Dell cung cấp cho dòng máy XPS 15 bên cạnh độ phân giải tiêu chuẩn HD 1080p.

Việc sử dụng màn hình IGZO đáp ứng các đặc điểm cải tiến của XPS 15 (9530) như viền màn hình mỏng, độ phân giải cực cao, độ sắc nét, khả năng phản hồi cảm ứng và tiết kiệm năng lượng. Qua trải nghiệm thực tế, có thể nói XPS 15 (9530) đang sở hữu một trong những chiếc màn hình đẹp nhất hiện nay trong dòng laptop giải trí cao cấp.

Hình ảnh và font chữ được thể hiện rất sắc nét và chi tiết nhờ độ phân giải cực cao. Ngay cả khi phóng to tối đa font chữ trên trình duyệt thì mình hầu như không nhìn thấy vết răng cưa và cũng dễ dàng thấy được các chi tiết rất nhỏ trên một tấm ảnh có độ phân giải lớn.

Bên cạnh đó, độ sáng trên 400 nit cùng độ tương phản cao khiến cho hình ảnh trở nên trong và rất thực. Các mảng màu sáng tối được hiển thị rõ ràng, tách biệt, tạo cảm nhận về chiều sâu trên ảnh. Về góc quán sát, góc tối đa để đảm bảo chất lượng hình ảnh ít sai lệch nhất trên màn hình của XPS 15 (9530) là 140 độ mặc dù Dell quảng cáo là 160 độ. Với góc quan sát này, bạn có thể chia sẻ nội dung với người ngồi cạnh mà không cần chỉnh sửa góc nhìn nhiều.

Tuy nhiên, là màn hình LCD nên XPS 15 (9530) vẫn gặp vấn đề khi hiển thị dưới ánh sáng mặt trời hay ánh sáng trực tiếp. Đây là một đặc điểm cố hữu của màn hình gương. Mặc dù độ tương phản và độ sáng cao của màn hình đã phần nào khiến hình ảnh trở nên rõ ràng hơn khi sử dụng ngoài trời nhưng mình vẫn phải điều chỉnh góc màn hình để giảm hiện tượng phản chiếu đặc biệt là khi xem các nội dung có nền tối.

Một điều đáng tiếc nữa là Windows 8.1 vẫn chưa hỗ trợ tối đa cho độ phân giải màn hình này. Mặc dù hầu hết các thành phần và ứng dụng hệ thống đều đã hỗ trợ scale hình ảnh với độ nét cao nhất nhưng các ứng dụng từ phía thứ 3 vẫn chưa hỗ trợ tốt cho độ phân giải QHD+. Do đó, bên cạnh việc giao diện ứng dụng không được sắc nét thì thao tác cảm ứng trên giao diện ứng dụng cũng trở nên khó khăn hơn do các yếu tố giao diện bị thu nhỏ đi rất nhiều.

Về phần âm thanh, hệ thống loa của XPS 15 (9530) được đặt tại cạnh trước của máy. Kết hợp với màn hình chất lượng cao, hệ thống âm thanh của XPS 15 (9530) thật sự mang lại một trải nghiệm giải trí cao cấp. Âm thanh được xử lý bằng công nghệ MaxxAudio Pro do Waves phát triển nhờ đó âm lượng đầu ra lớn mà vẫn giữ được chất âm, không rè vỡ, âm trầm và âm cao tách biệt, rất sống động.

  • Hiệu năng tốt

hiên bản XPS 15 (9530) trong bài này được trang bị cấu hình tốt với CPU Intel Core i7-4702HQ, GPU Nvidia GT 750M, 16 GB RAM. Điểm sáng trong cấu hình của XPS 15 (9530) là ổ cứng thể rắn chuẩn mSATA dung lượng 512 GB.

Về CPU Core i7-4702HQ thì đây là một vi xử lý lõi tứ thế hệ Haswell, chạy ở xung nhịp cơ bản 2,2 GHz và Turbo Boost lên 3,2 GHz. Nếu so sánh thì Core i7-4702HQ khá tương đồng với Core i7-4700HQ - phiên bản được sử dụng trên nhiều dòng máy tính giải trí như ASUS N550JV hay Toshiba Satellite P50t. Mặc dù cùng có 6 MB cache bộ đệm nhưng 4702HQ lại có xung nhịp thấp hơn một chút (0,2 GHz) so với phiên bản 4700HQ và mức tiêu thụ năng lượng tối đa (TDP) cũng thấp hơn 10 W. Vì vậy, điểm so sánh từ CPUBoss cho thấy Core i7-4702HQ thắng 4700HQ ở điểm tiêu thụ năng lượng và chỉ thua đôi chút về các điểm khác như năng lực xử lý đơn lõi, đa lõi và tính năng.

Về hiệu năng đồ họa, XPS 15 (9530) được tích hợp GPU Nvidia GT 750M cùng GPU on-board Intel HD Graphics 4600. 2 GPU này sẽ tự động chuyển đổi nhờ công nghệ Nvidia Optimus tùy theo tác vụ. Thử benchmark năng lực đồ họa của GPU Nvidia GT 750M bằng 3DMark 13 thì XPS 15 (9530) đạt điểm số khá cao với 76133 điểm Ice Storm, 2192 điểm Cloud Gate, 2009 điểm Fire Strike và 3260 điểm Sky Diver.

Trong bảng so sánh trên đây với các model mới dùng CPU Haswell thì chúng ta có thể thấy sự chênh lệch và tương đồng về năng lực xử lý đồ họa giữa các mẫu máy không có card rời như Samsung Ativ Book 9 Plus (Core i5-4200U, HD Graphics 4400), Sony Vaio Duo 13 (Core i5-4200U, HD Graphics 4400) và các mẫu máy có card rời như ASUS N550JV (Core i7-4700HQ, GeForce GT 750M), Toshiba Satellite P50 (Core i7-4700MQ, GeForce GT 745M) và HP Envy 15-j011sg (Core i5-4200M, GeForce GT 740M).

Tiếp tục với 3DMark 11, XPS 15 (9530) một lần nữa đứng đầu bảng với 2972 điểm cho bài test Performance. Các model xếp sau lần lượt là ASUS N550JV, Toshiba P50 và HP Envy 15 - cả 3 đều có card đồ hoạ rời. Sở dĩ kết quả benchmark của XPS 15 cao hơn so với 3 đối thủ này một phần là vì card đồ hoạ GT 750M và một phần là do máy có đến 16 GB RAM (8 GB x 2) chạy kênh đôi, hỗ trợ rất tốt cho năng lực đồ hoạ.

Về hiệu năng tổng thể, XPS 15 đạt 5721 điểm PCMark 7 (gói test PCMark Suite cơ bản). Trong bảng so sánh trên, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch về điểm hiệu năng giữa XPS 15 (9530) và các đối thủ khác. Trong 6 chiếc máy thì chỉ Samsung Ativ Book 9 Plus, Sony Vaio Duo 13 và XPS 15 (9530) là được trang bị ổ SSD.

Tốc độ truy xuất dữ liệu cao ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng hệ thống và kết quả là điểm sổ của 3 chiếc máy này lần lượt dẫn đầu, riêng XPS 15 (9530) được trang bị thêm card rời và RAM lớn nhất với 16 GB nên hiệu năng có phần nhỉnh hơn cả. 3 chiếc máy còn lại gồm ASUS N550JV, HP Envy 15 và Toshiba Satellite P50 đều chỉ dùng ổ cứng HDD thông thường với tốc độ vòng quay chỉ 5400 rpm. Riêng Toshiba Satellite P50 mặc dù dùng HDD nhưng có thêm card rời nên đạt mốc 3885 điểm.

Tiếp tục đánh giá bằng PCMark 8 phiên bản mới, XPS 15 (9530) đạt 2568 điểm và 2708 điểm lần lượt cho bài test Home và Work. Đây là 2 gói test tương ứng với các tác vụ như soạn thảo, duyệt web, duyệt bảng tính, gọi video call, chơi game nhẹ, chỉnh sửa hình. Với bài test Creative, XPS 15 (9530) đạt 3236 điểm cho các tác vụ cao hơn như biên tập video, gọi video theo nhóm, chỉnh sửa hình ảnh cao cấp và chơi game trung bình nặng.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu năng của XPS 15 (9530) là ổ SSD mSATA do Samsung sản xuất và tốc độ đọc ghi của nó khá cao với 494 MB/s (đọc) và 406 MB/s (ghi), chỉ xếp sau ổ SSD của Samsung Ativ Book 9 Plus trong bảng so sánh trên.

Trải nghiệm thực tế cho thấy XPS 15 (9530) thật sự phát huy tối đa sức mạnh nhờ ổ SSD mSATA. Máy chỉ mất 4 giây để khởi động từ trạng thái tắt hoàn đến vào đến màn hình đăng nhập Windows 8.1. Khả năng xử lý đa nhiệm rất tốt, cụ thể là trong khi đang viết bài đánh giá này, mình đang mở tổng cộng 7 ứng dụng khác nhau và 17 tab trình duyệt IE.

Thử nghiệm chơi game trên XPS 15 (9530) khá thú vị nhưng mình cũng gặp phải nhiều trục trặc đáng tiếc. Điều thú vị nhất là các hình ảnh trong game được đồ họa rất chi tiết và sắc nét, đặc biệt là với những game đã hỗ trợ độ phân giải QHD+.

Thử chơi game League of Legends - 1 tựa game MOBA rất phổ biến hiện nay thì hình ảnh bản đồ và tướng đều hiển thị rất đẹp khi chỉnh phân giải tối đa. Kết quả tương tự khi mình thử nghiệm với game Call of Duty Ghost bản Patch mới nhất. Tuy nhiên, trục trặc xảy ra khi chơi game là đôi khi game bị crash và nhiều game chưa hỗ trợ độ phân giải này sẽ hiển thị không chính xác.

Cách tốt nhất để chơi game mượt mà là chỉnh về độ phân giải tiêu chuẩn 1920 x 1080 hoặc 1920 x 1200. Thiết nghĩ vấn đề không nằm ở phần cứng mà thuộc về tính tương thích của game với độ phân giải 3200 x 1800. Vì vậy, chiếc màn hình cao cấp của XPS 15 vẫn chưa thể được khai thác triệt để với loại hình giải trí này. Để có trải nghiệm chơi game tốt hơn thì chúng ta buộc phải chờ đợi các bản cập nhật tiếp theo của nhà sản xuất game.

  • Pin lâu, vận hành mát mẻ

Với 2 tùy chọn cấu hình, XPS 15 (9530) cũng có 2 tùy chọn pin tích hợp là 61 Wh (6 cell) và 91 Wh (9 cell) không thể tháo rời. Phiên bản mình dùng để đánh giá có pin 91 Wh và sở dĩ pin lớn hơn trong cùng một thân máy là do phiên bản này dùng ổ mSATA và khoảng trống của ổ HDD 2.5" đã được dùng để chứa thêm 3 cell pin nữa.

Với việc trang bị pin 9 cell cùng ổ mSATA loại trừ thành phần cơ học, thời lượng pin trên XPS 15 (9530) khá tốt. Với điều kiện sử dụng bình thường với 7 tác vụ, 20 tab IE, độ sáng màn hình 50% thì trung bình 1 tiếng rưỡi, pin hao hụt 25%. Như vậy có thể suy ra với cường độ sử dụng trung bình thì thời lượng pin của XPS 15 (9530) đạt khoảng 6 tiếng. Với cường độ làm sử dụng cao hơn như nghe nhạc và chơi game thì thời lượng pin chỉ còn khoảng 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng.

Về nhiệt độ, Dell đã cách ly nguồn phát nhiệt rất tốt trên XPS 15 (9530) khi các phần cứng xử lý đều được đưa về phía sau. Thêm vào đó, phiên bản XPS 15 trong bài đánh giá này không cùng ổ HDD - một trong những thành phần phát nhiệt lớn khi hoạt động, nên khu vực chiếu nghỉ tay vẫn duy trì được nhiệt độ mát mẻ dù cho máy thực hiện các tác vụ nặng. Trên thực tế mình đã để máy chạy benchmark suốt đêm nhưng vẫn không thấy nóng cục bộ. Khu vực nóng nhất trên máy là bản lề, nơi đối diện với khe tản nhiệt.

  • Kết luận

Qua những đánh giá nhanh về thiết kế, hiệu năng và trải nghiệm trên XPS 15 (9530) thì hẳn các bạn cũng đã có cái nhìn rõ hơn về những cải tiến so với thế hệ XPS 15 trước và những ưu điểm của chiếc máy này so với các đối thủ cùng phân khúc. Dell đã trang bị cho XPS 15 những phần cứng mới nhất nhằm đảm bảo hiệu năng và thiết kế theo nhu cầu của người dùng. Màn hình cảm ứng QHD+, hệ thống loa chất lượng, ổ SSD mSATA 512 GB, RAM 16 GB, GPU Nvidia, CPU Quad-Core, tất cả những phần cứng này mang lại một trải nghiệm giải trí cao cấp.

Theo giá niêm yết trên website của Dell, bạn sẽ phải chi 2109 USD cho chiếc máy có cấu hình trên. Tuy nhiên, một trong những đối thủ xứng tầm của Dell XPS 15 (9530) có thể kể đến là Toshiba Satellite P55t. Chiếc máy này vừa được phát hành hồi cuối tháng 4 vừa qua và với cấu hình Core i7, card rời AMD Radeon R9 M256X, 16 GB RAM, ổ cứng tùy chọn tối đa 1 TB, màn hình 15,6" phân giải đến 4K, có cảm ứng thì mức giá của nó chỉ vào khoảng 1500 USD. Ngoài ra, trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều dòng Ultrabook tích hợp màn hình QHD+ cảm ứng như Samsung Ativ Book 9 Plus (1400 USD) hay HP Envy 14 TouchSmart (1700 USD) và nếu chỉ có nhu cầu thưởng thức nội dung số với màn hình độ nét cao thì bạn có thể cân nhắc.

Ưu điểm

  • Thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt, chất liệu cao cấp
  • Màn hình đẹp, loa hay
  • Cấu hình tốt
  • Pin lâu, vận hành mát mẻ

Nhược điểm

  • Giá cao
  • Windows chưa hỗ trợ tốt cho màn hình QHD+
  • Đánh giá Dell XPS 14z-Chiếc laptop đa năng

> Laptop Dell

Dell XPS 14z - Chiếc laptop đa năng

Tổng quan thiết kế

Dell XPS 14z có vẻ ngoài rất bắt mắt, toàn bộ thân máy được bao phủ bởi một lớp kim loại trắng bạc tạo cảm giác sang trọng, thanh lịch. Khi chạm vào chiếc laptop này, bạn sẽ có cảm giác nó rất cứng cáp và chắc chắn. Với độ dày là 23mm cùng trọng lượng 2kg, người sử dụng có thể cầm theo máy từ phòng này sang phòng khác hay mang nó đi khắp nơi bằng balo mà không gặp quá nhiều khó khăn.

"Nội thất" bên trong của Dell XPS 14z cũng được thiết kế đẹp với màn hình bóng loáng, khu vực bàn phím lọt giữa 2 phần loa rất hợp lý, bên cạnh đó là khoảng để tay rộng rãi, góp phần tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng máy.

Có lẽ thiết kế của model này chỉ có một yếu điểm duy nhất là khớp hơi cứng, bạn khó có thể mở được máy ra với một tay và màn hình chỉ mở ra được tối đa là 45 độ.

  • Cấu hìnhCPU: Intel Core i5 2430M (2,4 Ghz, 3MB cache)
  • RAM: 6GB DDR3
  • GPU: Nvidia GeForce GT 525M
  • HDD: Western Digital 500GB 7200rpm
  • ODD: DVDRW
  • Network: lan gigabit (10/100/1000 Mbit), Wifi 802.11 a/b/g/n, Bluetooth 3.0
  • Màn hình: 14 inch, độ phân giải 1366 x 768 pixel
  • Webcam: 1.3 MP.

Cổng kết nối

Cổng kết nối trên máy Dell XPS 14z khá là nghèo nàn và được bố trí tập trung tại phía sau của máy với các kết nối thông thường là USB 2.0, USB 3.0, Gigabit Ethernet, HDMI, tuy thiếu VGA nhưng bù lại có cổng mini – DisplayPort, bên phải máy là lỗ âm thanh ra vào và khe đọc thẻ nhớ, bên trái có ổ đĩa DVDRW, đằng trước nhẵn trơn, không có bất kỳ cổng kết nối nào.

Bàn phím và touchpad

Bàn phím dạng chiclet của Dell XPS 14z có bo tròn màu ánh bạc cùng tông chữ in trên phím khá ấn tượng. Việc gõ văn bản bằng bàn phím này khá thích bởi khoảng cách giữa các nút vừa phải, tuy có yếu điểm là hành trình của phím hơi nông nhưng nó không ảnh hưởng nhiều tới tốc độ đánh chữ. Ngoài ra, laptop này còn trang bị đèn nền cho bàn phím, khá thuận tiện cho những ai hay dùng ban đêm.

TouchPad của model laptop này to, nhạy tạo cảm giác dễ dàng điều khiển con trỏ chuột trên màn hình. Tuy có hỗ trợ cảm ứng đa điểm nhưng bạn sẽ thấy rằng chỉ có các hành động đơn giản (như chạm 4 ngón để có chức năng tương đương ấn alt + tab) là hoạt động tốt, những động tác phức tạp như dùng 2 ngón tay để zoom ra vào tỏ ra không được chuẩn cho lắm.

Một điểm cần chú ý là khi gõ phím trên Dell XPS 14z, tay bạn sẽ rất dễ chạm phải touchpad gây lạc chuột, do đó nên tắt touchpad khi cần phải đánh máy một đoạn văn bản dài.

Màn hình

Dell XPS 14z có màn hình rất bắt mắt với kích thước 14 inch cùng những góc cạnh bo kính bóng loáng. Tuy vẻ ngoài đẹp nhưng những gì màn hình này thể hiện lại không ấn tượng cho lắm với 2 điểm trừ: độ sáng yếu, bị loá khi dùng ngoài trời. Các chi tiết khác như màu sắc, độ nét và góc nhìn cũng chỉ thuộc dạng chấp nhận được. Nói chung, màn hình của máy đủ để đáp ứng tốt nhu cầu giải trí cá nhân ở môi trường có độ sáng vừa phải như ở nhà, văn phòng hay trong xe hơi.

Loa

Loa tích hợp trên Dell XPS 14z không đến nỗi tệ, nó đủ mạnh để có thể phát tiếng rõ ràng trong một căn phòng nhỏ với chất lượng vào loại tạm được. Tất nhiên chúng không thể nào lấy điểm từ những đôi tai khắt khe thích thưởng thức âm nhạc nhưng vẫn đáp ứng tốt nếu nhu cầu của bạn chỉ là những bản nhạc nền trong game hoặc phim.

Hiệu năng

Sức mạnh đến từ Intel Core i5 2430M và 6GB RAM đủ cho Dell XPS 14z vận hành tốt các ứng dụng văn phòng thông thường cũng như các tác vụ đa nhiệm. Cộng thêm GPU Nvidia GeForce GT 525M, việc xem phim HD cũng như chạy các phần mềm giải trí khác trở nên nhẹ tênh. Bạn cũng có thể dùng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh hay video trên máy mà không cần phải lo lắng cấu hình không đáp ứng được, tuy nhiên thời gian render sẽ hơi lâu.

Dell XPS 14z có thể chơi tốt đa phần các tựa game có trên thị trường, tuy nhiên với những quái vật ngốn phần cứng mới ra mắt thì GPU Nvidia GeForce GT 525M tỏ ra đuối sức. Thực tế ít có laptop nào chiến được những trò chơi có đồ hoạ 3D khủng (như Crysis) trừ các dòng máy chuyên dành cho game thủ như Alienware hay Asus ROG.

Độ ồn

Độ ồn thấp, ngay cả khi full load cũng chỉ vào khoảng 41dB, không gây ảnh hưởng nhiều tới người sử dụng.

Nhiệt độ

Khá nóng, khi full load có vùng lên tới 46 – 47 độ C, khu vực để tay tuy có nhiệt độ thấp hơn nhưng vẫn gần 40 độ C, có thể gây khó chịu cho người sử dụng.

Thời lượng pin

Thời lượng pin của Dell XPS 14z thuộc dạng đỉnh nếu như so sánh với các laptop thuộc dòng giải trí. Bạn có thể thoải mái xem phim HD trên chiếc máy này, bởi nó có thể chịu được tới 200 phút – dư sức chiến tốt vài tập phim bộ hay khoảng 2 phim lẻ. Nếu chỉ lướt web đọc báo xem tin tức thì sẽ được lâu hơn (khoảng 6 tiếng rưỡi) còn chơi game nặng thì tất nhiên là sẽ sớm phải cắm điện (chịu được khoảng 1 tiếng rưỡi).

Tổng kết

Nhìn chung thì Dell XPS 14z là một sản phẩm tuyệt vời dành cho nhu cầu giải trí đa phương tiện. Hiệu năng của máy cao đem lại những phút giây nghe nhạc, xem phim, chơi game hoàn hảo, ổ cứng lên tới 500GB chứa được một lượng kha khá các bài hát hay phim ảnh cũng như phần mềm, trò chơi. Bên cạnh đó, laptop này cũng có thể đáp ứng tốt cho doanh nhân với vẻ ngoài lịch lãm cùng bàn phím tốt.

Ưu điểm:

  • Thiết kế chắc chắn và rất đẹp mắt
  • Cấu hình có hiệu năng cao và ổn định, đáp ứng được đa dạng nhu cầu
  • Thời lượng pin thuộc dạng tốt trong dòng laptop giải trí.

Nhược điểm:

  • Màn hình không được tốt lắm và chỉ mở được tối đa 45 độ gây khó chịu trong một số tình huống sử dụng
  • Hơi ít cổng kết nối.

Hy vọng, sau khi tham khảo những những thông tin đánh giá về laptop Dell XPS ở trên, bạn có thể tự tin chọn cho mình một chiếc laptop Dell giá rẻ và tốt nhất, phù hợp nhất.

Mua bán Laptop Dell ở đâu?

 

Mua bán Laptop Dell tại MuaBanNhanh.com. Xem ngay: Laptop Dell

Theo bạn Dòng laptop Dell nào tốt nhất cho dân văn phòng?

Theo bạn Dòng laptop Dell nào tốt nhất cho dân văn phòng?

Nguồn: http://muabannhanhlaptop.com/danh-gia-dong-laptop-dell-xps/253

Tags: Laptop Dell, Laptop, Đánh giá ưu và nhược điểm của hãng laptop DELL, Có nên mua máy tính Dell hay không, Đánh giá hãng laptop DELL, máy tính Dell, Dell, Đánh giá dòng laptop Dell Xps, laptop Dell Xps
InUV.vn / Cẩm nang bỏ túi
No avatar
Đăng bởi minhthien
Tham gia 04/03/2015
Cấp độ Administrator
Bài viết 99/99
Tags: Laptop Dell, Laptop, Đánh giá ưu và nhược điểm của hãng laptop DELL, Có nên mua máy tính Dell hay không, Đánh giá hãng laptop DELL, máy tính Dell, Dell, Đánh giá dòng laptop Dell Xps, laptop Dell Xps
InUV.vn / Cẩm nang bỏ túi